Bối cảnh lịch sử Hợp_nhất_Tây_Tạng_vào_Trung_Quốc

Từ thập niên 1720, nhà Thanh bắt đầu cho quân đồn trú tại Tây Tạng đồng thời đặt đại thần tại Tây Tạng, để khống chế thực tế khu vực Tây Tạng. Đến cuối thế kỷ 18, quyền uy của nhà Thanh tại Tây Tạng đạt đỉnh, song từ đó dần yếu đi do bản thân nhà Thanh suy lạc. Năm Quang Tự thứ 14 (1888), quân đội Anh chiếm Xích Kim, đồng thời đánh vào các khu vực của Tây Tạng như Á Đông[19]. Sau khi đình chiến, nhà Thanh phái trú tráp đại thần đến Ấn Độ cùng Anh Quốc ký kết "Điều ước Tạng-Ấn Trung Anh" và "Tục ước Tạng-Ấn Trung Anh", theo đó nhà Thanh cắt nhượng phần đất nhỏ tại miền nam Tây Tạng, đồng thời thừa nhận Xích Kim là quốc gia do Anh bảo hộ. Năm Quang Tự thứ 29 (1903), quân đội Anh từ Xích Kim xâm nhập Tây Tạng, năm sau chiếm được Lhasa, uy hiếp kalön (người đứng đầu Chính phủ Tây Tạng) và các quan viên khác ký kết "Điều ước Lhasa", đại thần của nhà Thanh trú tại Tây Tạng cự tuyệt ký kết. Sau khi quân Anh rút đi, nhà Thanh phái đại biểu đàm phàn, cùng Anh Quốc kỳ kết "Điều ước Tạng-Ấn bổ sung Trung Anh", theo đó Anh Quốc cam kết không xâm chiếm Tây Tạng, Trung Quốc đảm bảo không cho quốc gia khác xâm chiếm Tây Tạng, Tây Tạng nằm trong phạm vi thế lực của Anh Quốc[20]

Bản đồ Viễn Đông năm 1932.

Sau khi tin tức về sự kiện Cách mạng Tân Hợi 1911 bùng phát truyền đến Tây Tạng, tại Tây Tạng phát sinh náo loạn tại Lhasa, quan viên và quân đồn trú của nhà thanh bị Chính phủ Kashag đuổi khỏi Tây Tạng. Khu vực Ü-Tsang do Kashag Tây Tạng thống trị[21][22], song AmdoKham vẫn chủ yếu do thổ ti hoặc Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thống trị[22][23]. Ngày 11 tháng 1 năm 1913, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 phái người ký kết "Điều ước Mông-Tạng" tại Khố Luân, Mông Cổ, thừa nhận độc lập lẫn nhau. Tháng 10 năm 1913, đại biểu của Tây Tạng, Anh Quốc và Chính phủ Bắc Dương tại Shimla, Ấn Độ tiến hành hội đàm ba bên[24], tháng 3 năm 1914, đại biểu của Anh là Henry McMahon lấy ủng hộ Tây Tạng độc lập làm điều kiện để đổi lấy việc phía Tây Tạng chấp thuận đường McMahon là biên giới[25]. Ngày 3 tháng 7 cùng năm, Chính phủ Bắc Dương nhận thấy âm mưu này nên rút khỏi đàm phán, cùng ngày Anh Quốc và Chính phủ Kashag ký kết "Hiệp ước Simla"[26], song Tây Tạng về sau lại từ chối thừa nhận hiệp ước này[27].

Năm 1914, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc hoạch định từ Khang Định về phía tây (bao gồm khu vực Chamdo ngày nay về phía tây sông Kim Sa) là Khu đặc biệt Xuyên Biên, chịu sự quản lý của tỉnh Tứ Xuyên.[22] Trong các năm 1917, 1920 và 1922, quân đội Tây Tạng nhiều lần phát động tiến công quy mô lớn nhằm vào quân đội Tứ Xuyên đồn trú tại Kham, kết quả là chiếm được đại bộ phận Kham từ tay quân đội Tứ Xuyên, thậm chí còn khống chế được các địa phương ở phía đông sông Kim Sa như Đức Cách, Cam Tư. Năm 1922, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra tuyên bố trong đó thể hiện không chỉ cần phải "giải phóng" khu vực do Trung Hoa Dân Quốc khống chế, mà còn cần phải giải phóng Mông Cổ, Tây Tạng, Tân Cương, nhấn mạnh tự trị dân tộc và liên bang tự do, lập nên nước cộng hòa chân chính. Sau đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần biểu đạt ý nguyện hiệp trợ Tây Tạng thoát ly khỏi quyền thống trị của Trung Hoa Dân Quốc, đồng thời hy vọng hai bên hợp tác mật thiết, song bị người Tây Tạng từ chối[28][29]. Ban thiền Thubten Choekyi Nyima liên tục là người thống trị thực tế khu vực Hậu Tạng (miền tây Ü-Tsang). Năm 1923, phía chùa Tashi Lhunpo tại Shigatse và Kashag phát sinh xung đột, Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 9 là Thubten Choekyi Nyima buộc phải đào thoát khỏi Tây Tạng, qua Thanh Hải và Cam Túc đến Bắc Kinh. Khu vực Hậu Tạng bị Kashag tiếp quản.[27]

Năm 1931, quân đội Tây Tạng lại tấn công khu vực Ngọc Thụ của Thanh Hải, bị quân đội Thanh Hải của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đánh bại, quân đội Tứ Xuyên của Trung Hoa Dân Quốc thừa cơ phát động phản kích tại khu vực Kham, quân đội Tây Tạng bất đắc dĩ thoái đến phía tây sông Kim Sa. Năm 1932, hai bên ký kết hiệp nghị đình chiến, đồng ý lấy sông Kim Sa làm ranh giới đình chiến, đợi Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và nhà đương cục Tây Tạng đàm phán giải quyết.[27] Sau đó, sông Kim Sa trở thành giới tuyến giữa khu vực do Kashag Tây Tạng khống chế với khu vực Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc khống chế thực tế, Kashag Tây Tạng muốn nắm quyền thống trị Kham, song Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc phản đối chủ trương này. Từ năm 1913 đến năm 1933, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 từng tiến hành mở rộng quân đội và cải cách hiện đại hóa, song do quý tộc và tăng lữ Tây Tạng phản đối nên cuối cùng thất bại.[30][31] Kashag Tây Tạng còn rất ít tham gia công việc ngoại giao, ngoại trừ liên hệ với Ấn Độ, Anh Quốc và Hoa Kỳ.[31][32] và Tây Tạng cũng trao cho Anh Quốc quyền khống chế thu thuế, ngoại giao của mình.[33]

Ngày 22 tháng 7 năm 1935, Ủy ban Lập tỉnh Tây Khang Chính phủ Quốc dân Nam Kinh được thành lập tại Nhã An, đến năm sau ủy ban này dời đến Khang Định. Đương thời, ủy ban này trên danh nghĩa quản lý khu vực Khang Định với 20 huyện, cùng với 13 huyện đã bị Kashag Tây Tạng chiếm lĩnh. Ngày 14 tháng 3 năm 1938, Chính phủ Quốc dân Nam Kinh cải tổ Ủy ban lập tỉnh Tây Khang, đồng thời vào ngày 1 tháng 9 chuyển 14 huyện và hai cục thiết trị nguyên thuộc tỉnh Tứ Xuyên sang cho ủy ban lập tỉnh Tây Khang quản lý. Đồng thời, thành lập tỉnh Tây Khang, thực thi phân biệt cai trị Tứ Xuyên, Tây Khang. Ngày 1 tháng 1 năm 1939, Chính phủ tỉnh Tây Khang chính thức thành lập, tỉnh lỵ đặt tại Khang Định, Lưu Văn Huy nhậm chức chủ tịch tỉnh. Chính phủ tỉnh Tây Khang thực tế chỉ quản lý khu vực Kham nằm phía đông sông Kim Sa.[22] Kashag Tây Tạng cũng phái các quan viên quản lý khu vực Kham phía đông sông Kim Sa.[34]

Năm 1941, cơ cấu do Ban Thiền Lạt Ma thứ 9 thành lập sau khi lưu vong tại Trung Nguyên nhận định ông đã chuyển thế linh đồng, song do bị Kashag phản đối, đến ngày 3 tháng 6 năm 1949 Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc mới phê chuẩn người kế nhiệm Ban Thiền Lạt Ma, ngày 10 tháng 8 cử hành lễ tọa sàng. Tuy nhiên, Kashag kiên trì không thừa nhận địa vị của người này, nói rõ cậu "là một linh đồng hậu bổ" (tức dự bị). Phía Kashag tự nhận định một người là Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10, lệnh cho cậu ở tại Lhasa, đồng thời tuyên bố cậu đã được "Quốc gia độc lập Tây Tạng" phê chuẩn, là Ban Thiền Lạt Ma hợp pháp.[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hợp_nhất_Tây_Tạng_vào_Trung_Quốc http://www.china.com.cn/zhuanti2005/txt/2001-07/19... http://cpc.people.com.cn/BIG5/64162/64172/85037/85... http://cpc.people.com.cn/GB/64107/65708/65722/4444... http://cpc.people.com.cn/GB/69112/78233/78687/7897... http://cpc.people.com.cn/GB/85037/85038/7492047.ht... http://cppcc.people.com.cn/GB/34961/221998/222001/... http://politics.people.com.cn/GB/1026/7072881.html http://www.people.com.cn/GB/historic/0523/1687.htm... http://book.sina.com.cn/longbook/1098245693_chamag... http://zt.tibet.cn/t/xzjbqk/2003120031229133551.ht...